Tin tức
Rượu giả “tràn” Bến Lức!

Sau khi “chết đi, sống lại” vì uống nhầm phải rượu đế Gò Đen giả (do người quen vô tình đem cho để uống Tết), chúng tôi đã xuống khu vực kinh doanh loại đồ uống kinh dị này thuộc huyện Bến Lức (Long An) để kiểm chứng loại rượu uống vào… thân thể đau nhừ, đầu nhức như búa bổ!

“THỦ THUẬT” TỪ CỒN + MEN TRUNG QUỐC

Thương hiệu rượu Gò Đen xưa nay nổi tiếng nhất nhì khu vực miền Nam và huyện Bến Lức (Long An) được xem như quê nhà của thứ rượu mệnh danh đệ nhất tửu này. Trước đây, người dân vẫn hay truyền miệng câu thơ: “Trăm năm để lại thế gian, Gò Đen rượu đế trần gian giữ gìn”. Tiếc thay, hiện nay do có quá nhiều lò rượu tư nhân mọc lên, nhưng lại không hề có giấy phép sản xuất rượu khiến chất lượng xuống cấp. Đặc biệt, không ít đối tượng vì lợi nhuận đã làm rượu giả, rượu pha cồn và men Trung Quốc để “đầu độc” người uống.

Ghé vào cửa hàng rượu Hai Nhã ngay tại đầu đường (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức), chúng tôi hỏi mua rượu Gò Đen về làm quà thì bà chủ bưng ngay ra loại can 20 lít rồi quảng cáo liên hồi nào ngon, nào chính gốc… Chúng tôi thắc mắc tại sao can rượu chẳng có nhãn mác gì, làm sao phân biệt được thật, giả? Chị này trả lời: Muốn có nhãn thì dễ thôi! Rồi quay vào lấy một miếng giấy dán đề tên cửa hàng lên can rượu, bảo “để tôi dán nhãn cho anh yên tâm”.

Thấy khách muốn mua nhiều (50 lít) về bán lẻ và chỉ lấy rượu giá rẻ, chị này niềm nở chào hàng: “Loại 18.000 đ/lít nhé, bảo đảm đúng nồng độ yêu cầu”. Chúng tôi gặng hỏi cách làm thì chị này tìm cách từ chối và đánh lảng sang vấn đề đặt hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại rượu giá bèo kia không thể làm từ nguyên liệu chính gốc gồm gạo nếp, gạo tẻ Gò Đen, men chính gốc Gò Đen, bởi giá thấp nhất cho một lít rượu xịn này không dưới 30.000 đồng.

Để có thể cạnh tranh với mức giá “siêu rẻ”, những cửa hàng này đang kinh doanh loại rượu được pha chế như thế nào?


Những quầy rượu bày bán tại Bến Lức chẳng hề có nhãn mác

Chúng tôi gặp được ông T.P, chủ cửa hàng rượu Gò Đen (ấp 3, xã Mỹ Yên, huyện Gò Đen) là người khá rành rọt về “thủ thuật” làm rượu giả, ông kể: “Cách đây không lâu, tôi có làm thuê cho một lò rượu tên K.H.T ngay tại Bến Lức. Lò này chuyên sử dụng cồn để chế rượu rồi đem bán, chủ yếu là khách vãng lai ghé mua 1 lần rồi thôi”.

Theo lời ông, rượu đế được pha chế hết sức đơn giản: Chỉ với 10 lít nước đựng trong một bình lớn, sau đó đổ khoảng vài chai cồn vào rồi rót ra, đóng chai và bán cho khách. Còn đối với rượu thuốc, họ nhặt rễ cây, rễ của các loài thực vật khác về ngâm để tạo màu, sau đó hòa cồn và nước để “hô biến” thành rượu. Lò rượu K.H.T này một ngày có thể bán cả trăm lít, thu lãi khủng.

Ông T.P làm ở đó được 3 năm, nhưng vì sợ nên không dám uống dù chỉ 1 giọt. Sau này, do cắn rứt lương tâm, ông đã bỏ việc và về kinh doanh riêng. Từ thông tin trên, chúng tôi tìm đến lò rượu K.H.T, nhưng nơi này khá kín cổng cao tường, mặc dù gọi cửa nhưng không ai ra mở. Hỏi một số người dân quanh khu vực, họ bảo lò rượu này thi thoảng mới mở cửa, còn hầu như đóng im ỉm.

Một số chủ lò rượu lâu năm khác kể rằng, còn một cách làm rượu Gò Đen giả từ một loại men Trung Quốc. Thay vì dùng loại men quý, gốc của Gò Đen giá khá cao, loại men Trung Quốc giá rất bèo và chỉ cần một miếng nhỏ chừng 2 đốt ngón tay là có thể “nấu” tới 3 lít rượu. Loại men này vẫn còn bán tại một số quầy hàng của chợ hóa chất Kim Biên.

Ngay chiều hôm đó, chúng tôi thị sát rất nhiều cửa hàng của chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) tìm mua loại men này nhưng đều nhận được ánh mắt cảnh giác. Một tay xe ôm chỉ tôi đến cửa hàng M.H, chuyên bán mấy thứ hương liệu, thực phẩm. Chỗ này nằm phía cuối cùng của chợ, khi mới đến đầu quầy, chúng tôi đã được mời chào mua hàng và hỏi han rất chi tiết.

Khi nghe hỏi mua men Trung Quốc để nấu rượu, bà chủ cửa hàng lập tức đổi thái độ từ niềm nở sang dò xét: “Ở đây chỉ có men cục 1 kg, giá 120.000 đồng” và không quên quảng cáo 1 cục này có thể nấu vài chục lít rượu. Chúng tôi ngỏ ý mua một ít về thử trước nhưng bà chủ cự tuyệt và lên giọng: “Đưa tiền trước, mua 2 cục trở lên thì bán, không xem hay thử gì cả!”. Vừa nói xong, khách chưa kịp nói gì, bà ta đứng dậy đi vào nhà và ra hiệu đóng quầy. Theo quan sát, không chỉ bán men, cửa hàng này còn bán nhiều loại cồn khô, cồn nước để pha chế rượu.

RƯỢU CHÍNH GỐC Ở ĐÂU?

Chỉ cần chạy dọc theo quốc lộ 1A xuống khu vực ranh giới giữa huyện Bình Chánh (TP.HCM) và huyện Bến Lức (Long An) sẽ thấy cơ man nào là rượu với đủ tên gọi khác nhau như nếp Gò Đen, nếp than, rượu đế Gò Đen, rượu Gò Đen nguyên chất… kéo thành một con đường “rượu” cả vài cây số. Thế nhưng, để tìm mua được loại rượu Gò Đen chính gốc, được nấu cất đàng hoàng thì quả quá khó!

Vất vả lắm chúng tôi mới gặp được chị Trần Thị Thanh Quyên, người quản lý cửa hàng rượu đế Gò Đen của Hiệp hội rượu đế Gò Đen huyện Bến Lức. Chị cho biết, Hiệp hội rượu đế Gò Đen được thành lập nhằm mục đích liên kết những gia đình gắn bó với nghề nấu rượu, cũng như có tâm huyết với nó. Đây cũng là nơi duy nhất chắc chắn có rượu “thật”.

Nói về tình trạng rượu giả tràn lan, chị Quyên nói: “Do lượng người nấu rượu nhỏ, lẻ bên ngoài rất nhiều, không quản lý hết. Hơn nữa, khi họ được hoạt động tự do thì sẽ không bị ràng buộc hay có ý thức về vấn đề VSATTP, phòng chống cháy nổ hay nguyên liệu nấu rượu… Chính vì những vấn đề này, rượu ngoài bao giờ cũng rẻ hơn rượu chính hãng rất nhiều”.

Chị Quyên cũng chia sẻ cách để phân biệt rượu Gò Đen chính gốc với rượu giả: Đầu tiên là ở nồng độ và giá tiền. Nồng độ chính của rượu đế sẽ nằm ở khoảng từ 30 - 45 độ, và giá cũng tương ứng. Tiếp đến là rượu giả nếu để 2 tới 3 ngày sẽ bay hơi và mất độ. Rượu Gò Đen chính gốc uống vào tinh thần sảng khoái, dù say cỡ nào thì ngày hôm sau ngủ dậy vẫn tỉnh táo, khỏe mạnh; còn rượu giả thì do liều lượng cồn cao sẽ gây đau đầu, mệt mỏi, ói mửa liên tục. Ngay chính bản thân chị là người ở đây cũng chưa một lần dám thử những thứ rượu bán ở ngoài, tất cả những kinh nghiệm trên là do bản thân và những khách hàng uống nhầm phải rượu giả nói lại”.

Những người có tâm huyết với nghề nấu rượu truyền thống Gò Đen cũng cảnh báo, nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục, rất có thể thứ rượu này sẽ gây họa lớn như vụ việc động trời liên quan đến “rượu nếp 29 Hà Nội” vừa rồi.

Ông Trương Văn Triều - Phó Chủ tịch huyện Bến Lức cho biết: “Rượu Gò Đen vốn nổi tiếng từ xưa. Tuy nhiên, do nhiều gia đình mở lò nấu rượu không phép, không tham gia vào Hiệp hội, làm giả rượu để chạy theo lợi nhuận khiến uy tín trên thương trường bị giảm sút”.

Đối tác